Share

Kinh nghiệm thi Teach for Vietnam

Chào mọi người!

Trước hết mình xin tự giới thiệu, mình là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Kinh Tế. Mình vừa nhận được offer từ một chương trình phát triển năng lực lãnh đạo về mảng giáo dục có tên là Teach For Vietnam (TFV), và cũng vì rất có ấn tượng với những sứ mệnh và giá trị nhân văn tốt đẹp mà tổ chức TFV muốn đem lại cho hệ sinh thái giáo dục công tại Việt Nam nên hôm nay mình xin phép được chia sẻ một chút kinh nghiệm của bản thân về hành trình ứng tuyển vào TFV. Hy vọng sẽ giúp ích được cho mọi người một chút nào đó.

Vậy Teach For Vietnam là gì? Teach For Vietnam là một phần của mạng lưới giáo dục Teach For All – nay đã có mặt ở 40 quốc gia trên thế giới. Được sáng lập bởi anh Huỳnh Hạnh Phúc – là cựu sinh viên Harvard – với sứ mệnh mang lại cơ hội giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và hoàn thiện cho mọi trẻ em thông qua việc nhấn mạnh kĩ năng lãnh đạo, chủ động trong giảng dạy. Các bạn có thể hiểu thêm về sứ mệnh và tầm nhìn của TFV trong tương lai tại website: https://teachforvietnam.org/vechungtoi/

Chương trình phát triển năng lực lãnh đạo (The Leadership Development Fellowship) của TFV được chia thành 3 mảng giảng dạy chính là Tiếng Anh, STEM và Giáo dục khởi nghiệp. Chương trình tuyển dụng của TFV mở rộng cơ hội cho mọi bạn trẻ đến từ nhiều ngành nghề (không cần bạn phải là sinh viên tốt nghiệp đại học Sư phạm), chỉ cần bạn có đam mê với Giáo dục, và thực sự muốn tạo ra ảnh hưởng cho xã hội thông qua hệ thống giáo dục công. Công việc của các bạn là tham gia vào việc giảng dạy tại các hệ thống trường công lập và thực hiện các dự án phát triển cộng đồng tại địa phương trong vòng 2 năm. Các bạn có thể xem thêm về đặc điểm chương trình và hành trình fellowship tại link https://teachforvietnam.org/thong-tin-chung/

Hành trình trở thành Fellow của TFV được chia thành 3 vòng chính:

– Vòng 1: Nộp đơn online và phỏng vấn qua điện thoại (nếu có)

Ở vòng này, các bạn sẽ điền đơn online với những thông tin cơ bản về bản thân, nền tảng học vấn,… Bên cạnh đó bạn cũng được yêu cầu nêu lý do tại sao bạn lại hứng thú với chương trình, và bạn có thể đóng góp được gì cho chương trình. Sau vòng đơn này, có thể bạn sẽ nhận được cuộc gọi từ các anh chị TFV để hỏi thêm về nguyện vọng cũng như để làm rõ về định hướng của bạn. Một số tips cho vòng này là chỉ cần là chính mình, dành một chút thời gian yên tĩnh để điền đơn và trả lời câu hỏi một cách chân thành nhất.

– Vòng 2: Phỏng vấn với phòng nhân sự

Một tuần sau khi chương trình đóng đơn, các bạn sẽ nhận được email thông báo về kết quả vòng 1 và link mời tham dự phỏng vấn với chị nhân sự. Vòng này chị chỉ hỏi thêm về nguyện vọng, cũng như muốn nghe mình chia sẻ nhiều hơn về bản thân, cũng như những thắc mắc về chương trình (nếu có), nên là các bạn cứ thoải mái chia sẻ nhé.

– Vòng 3: Phỏng vấn nhóm và Dạy thử/Xử lý tình huống

Sau buổi chia sẻ với chị nhân sự, các bạn sẽ nhận được mail về đề bài cần chuẩn bị để thực hiện buổi phỏng vấn nhóm. Đề bài năm của mình là một proposal về một sự kiện/hoạt động ngoại khóa mà các bạn muốn tổ chức tại địa phương bạn onboard trong năm đó.

Vào buổi phỏng vấn nhóm, các bạn sẽ được chia nhóm tầm 5 bạn (các bạn apply fellow Tiếng Anh, Giáo dục khởi nghiệp và STEM sẽ thi cùng nhau) và phải thảo luận, sau đó thuyết trình về bảng proposal mà các bạn đã chuẩn bị sẵn. Tips phần này cũng chỉ là be yourself các bạn ạ, và theo mình thấy thì đây là chương trình về phát triển năng lực lãnh đạo (cũng như các MT khác, chỉ khác đây là ngành giáo dục), khả năng dẫn dắt team và proactive luôn luôn được đánh giá cao. Và nhớ nha, không phải cứ “gắt” và tranh phần nói nhiều hơn là thể hiện tốt hơn đâu, hãy thể hiện mình là một potential leader có tâm và có tầm nữa, các bạn nhé 😉

Sau phần này, các bạn sẽ chuyển ngay đến phần dạy thử và phỏng vấn xử lý tình huống. Các bạn cũng được chuẩn bị trước slide cho buổi dạy thử, và có 5 phút để dạy bài mình đã chuẩn bị. Kết thúc buổi dạy thử, các bạn sẽ được chuyển qua phần xử lý tình huống (tình huống ở đây là những trường hợp thực tế các bạn có thể gặp khi công tác tại trường tại địa phương: có thể mối quan hệ giữa các giáo viên với nhau, cán bộ sở giáo dục địa phương hoặc là cả học sinh, phụ huynh…). Tips cho hai phần này là hãy chuẩn bị trước ở nhà phần dạy thử để tránh bị “cháy” giáo án, hãy chọn chủ đề dạy phù hợp với điểm mạnh để thể hiện mình tốt nhất. Còn phần xử lý tình huống thì mình nghĩ tùy theo khả năng giao tiếp của từng bạn, và hãy nhớ linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề nhé (hãy cân nhắc nhiều khía cạnh liên quan của vấn đề bạn nhé).

– Vòng 4: Phỏng vấn cuối

Ở vòng này, các bạn sẽ được nói chuyện với chị trưởng phòng nhân sự về những kế hoạch, dự định bạn sẽ làm trong 2 năm fellowship. Mình nghĩ đến vòng này rồi thì các anh chị đã phần nào hiểu được bạn rồi, nên chỉ cần thành thật chia sẻ những điều mình nghĩ, và những điều mình thực sự muốn làm để tạo giá trị cho hệ thống giáo dục tại nơi bạn làm việc.

Trên đây là một số chia sẻ của mình về hành trình trở thành một TFV-er. Hy vọng sẽ giúp ích được gì đó cho các bạn trên hành trình đi tìm ước mơ, và định hướng của mình. Nếu thực sự đam mê giáo dục và muốn tạo ảnh hưởng cho xã hội, mình tin là TFV sẽ là một điểm đến tuyệt vời cho các bạn. Chúc các bạn thành công, may mắn và luôn vững tâm với con đường mình chọn. Mình cảm ơn các bạn!