Share

Có nên học trường RMIT hay không?

Mình sinh ra ở trường làng, lớn lên cũng chỉ biết loanh quanh ở cánh đồng, đầm sen. Lúc nhỏ được đi ra thành phố là cả mơ ước. Mỗi khi nghe tới quà từ thành phố cũng háo hức lên hẳn. Rồi khi tốt nghiệp cấp ba cũng chỉ dám bước ra một chút đến với thành phố Đà Nẵng. Khi đó còn sợ phải vào Hồ Chí Minh, sợ với cuộc sống bon chen, dòng người tấp nập. Ấy cũng vì thế mà cách nghĩ, cách tư duy của mình cũng phần nào bị thiệt thòi, cỗ lỗ so với những con người sống ở thành phố lớn như HCM, Hà Nội thật sự. Bao lâu nay mình vẫn tò mò về cuộc sống ở FTU, NEU như thế nào, và đặc biệt RMIT thì sao. Mặc dù hiện tại công việc mình cũng khá tốt và ổn định nhưng liệu nếu mình học ở những trường đó thì bây giờ có gì khác biệt nhiều hơn không, mình vẫn còn tự hỏi bản thân.

Nay gặp một bài chia sẻ khá hay về môi trường học RMIT thông qua cái nhìn của một cựu giảng viên, mình muốn chia sẻ để mọi người cùng đọc.

ĐẠI HỌC QUỐC TẾ RMIT – CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Mình đã gắn bó với Đại học RMIT trong hơn 4 năm, trải nghiệm dạy cả ở cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây một năm, nếu có bạn nào đó hỏi mình về chất lượng của Trường, hẳn mình cũng khó ăn khó nói, vì lúc đó vẫn đang là giảng viên đương nhiệm. Giờ thì mình đã không còn là người của RMIT nữa rồi. Nhưng cũng vẫn có lúc có bạn bè hỏi thăm về chất lượng giảng dạy của Trường. Mới hôm qua, có cô bạn Hanh Duc đăng một post so sánh giá học phí của RMIT Việt Nam với đi du học. Mình nghĩ, những chia sẻ của mình lúc này, với tư cách một người đã từng là người trong cuộc, có thể giúp ích đôi chút cho các ông bố bà mẹ đang băn khoăn về việc chọn trường cho con. Hơn nữa, giờ RMIT không còn là “cái niêu cơm” của mình nữa, điều mình nói, có lẽ sẽ khách quan và đáng tin hơn chăng.

1. RMIT – học phí khủng có tương xứng với chất lượng?

Câu trả lời là Có và Không.

Có vì các con sẽ có một trải nghiệp học tập khác biệt và chuyên nghiệp. So sánh với trải nghiệm của mình với tư cách là sinh viên của một trường Đại học quốc lập cách đây 20 năm và với tư cách giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học hiện nay, thì mình thấy những gì RMIT làm được so với các trường đại học Việt Nam là khác biệt và đáng giá:
– Ở RMIT, sinh viên thực sự là trung tâm. Mọi hoạt động giảng dạy, học tập, cách thiết kế và vận hành cơ sở vật chất đều nhằm hướng tới phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập và phát triển của sinh viên. Điều này đặc biệt đúng ở cơ sở thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình và phương pháp giảng dạy của nhà trường được thiết kế nhằm không chỉ cung cấp kiến thức mà còn làm giàu trải nghiệm học tập của sinh viên. Ví dụ như nhà trường không dùng giáo trình, mỗi khóa học giảng viên sẽ tự tìm kiếm các tài liệu phù hợp để sinh viên nghiên cứu và thảo luận. Điều này giúp các em có cái nhìn khoa học cởi mở, không hạn chế bởi một quan điểm của bất kì một tác giả giáo trình nào. Nhưng đương nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi giáo viên phải tận tâm và có trình độ. Ví dụ thứ hai là sinh viên năm thứ nhất vào trường sẽ phải học 8 môn cơ bản (trong đó có môn Luật kinh doanh do mình dạy). Thì phương pháp giảng dạy, cách tổ chức học liệu, cách thức đánh giá của 8 môn này đều phải theo một cách thức chung nhằm thay đổi phương pháp học tập của phần lớn sinh viên – vốn đã quen với cách giảng dạy truyền thống cô dạy trò ghi ở các bậc học trong nền giáo dục Việt Nam.

– Sinh viên cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ trong quá trình học tập. Ví dụ như rất nhiều sinh viên cho tới tận khi vào RMIT mới được phát hiện là có khiếm khuyến thị giác ảnh hưởng đến khả năng nhìn và đọc (ví dụ như các em không thể đọc các chữ trên cùng một hàng hoặc chỉ có thể đọc chữ ở một màu nhất định. Nghĩa là các em này đã trải qua 12 năm đi học mà không được hỗ trợ). Các em này sẽ được hỗ trợ từ các tư vấn viên rất chuyên nghiệp và tận tâm của nhà trường và các giảng viên của từng môn học. Bài thi, kiểm tra và các hoạt động của lớp học đều được sửa đổi tương ứng nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các em này. Với các em có thành tích học tập chưa tốt ở kì trước, sẽ được đưa tên vào một danh sách để được giáo viên và tư vấn viên hỗ trợ, theo dõi khó khăn hay tiến bộ của các em để động viên kịp thời trong kì học tiếp theo.

– Sinh viên RMIT được tiếp cận với phương pháp làm việc hiện đại, các cách thức giao tiếp, làm việc, xã giao giữa giáo viên, nhân viên nhà trường và sinh viên giúp các em có cơ hội trải nghiệm y như một thành viên trong một Tập đoàn đa quốc gia. Ví dụ như sinh viên viết email thì giáo viên có nghĩa vụ phản hồi ngay hoặc chậm nhất là trong vòng 24 giờ, và nếu sinh viên dùng ngôn ngữ hoặc cách thức giao tiếp trong email hay tiếp xúc chưa phù hợp thì giáo viên sẽ có nghĩa vụ nhắc nhở uốn nắn để giúp đỡ các em. Giúp cho sinh viên sẵn sàng bước vào thế giới kinh doanh chuyên nghiệp (work-ready attribute) là một trong những KPI của giáo viên.

Nghĩa là xét về phương diện đào tạo kiến thức và phát triển con người thì đầu tư vào RMIT không hề lãng phí.

Nhưng nếu như lấy thước đo về thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp để so sánh thì chắc sẽ thấy sự đầu tư vào học ở RMIT là quá đắt giá. Mình không có dữ liệu về quá trình thăng tiến của các cựu sinh viên RMIT sau khi ra trường so với các trường đại học khác nên không dám lạm bàn về vấn đề này. Nhưng mình đã từng giới thiệu cho cựu sinh viên đi làm chỉ với mức lương vài triệu y như các bạn tốt nghiệp trường quốc lập, nên mình thấy nếu nói về tỉ suất lợi nhuận thì đầu tư cho con học RMIT không có “lãi” – ít nhất là trong những năm đầu. Còn đường dài mới thấy ngựa hay, cái này phải nói có sách mách có chứng mới được.

2. RMIT – trường học của con nhà giàu?

Trong trường có rất nhiều sinh viên mà từ vẻ ngoài tới thần thái đều toát lên khí chất “con nhà” – cái này mình phải công nhận. Không phải các em ăn vận đắt tiền hay đi xe sang xế xịn, mà từ cách ăn nói, cử chỉ, dáng vẻ, cách giao tiếp đều thấy rõ gia đình có điều kiện kinh tế và các em được giáo dục tốt. Dạy ở RMIT cũng làm thay đổi nhãn quan của mình khá nhiều. Vì rất nhiều sinh viên tới trường ăn mặc hay cử chỉ nhìn rất “thốn mắt”, nhưng thái độ học tập lại rất nghiêm túc và khả năng tiếp thu rất tốt.

Dạy ở RMIT hơn 4 năm, mình chưa thấy có sinh viên nào cư xử kém tôn trọng thầy cô giáo. Nhìn vào sinh viên của mình, mình chỉ toàn thấy bọn chúng trẻ trung, năng động, xinh xắn, đáng yêu, sáng tạo và tình cảm.

Rất nhiều sinh viên rất giản dị, thậm chí quê mùa. Ở đây không phải chỉ toàn trai xinh gái đẹp như phim Hàn đâu. Cũng có đứa này đứa khác, y như ở bất kì trường đại học nào thôi. Cũng có thể nhà các em đều có điều kiện kinh tế thì mới có thể theo học ở đây, nhưng nhìn vào sinh viên, thì không hề thấy sự khoa trương hay đua đòi như lời đồn ở bên ngoài.

Chỉ là vài điều chia sẻ mà bài viết đã quá dài rồi. Dù sao cũng là “cố nhân” mình không muốn nói điều gì quá tốt hay là quá xấu, chỉ là một góc nhìn, hi vọng giúp được cho các bố mẹ nào có quan tâm. Ai cần hỏi gì thêm, mình sẵn sàng phục vụ. Còn nhà mình, nếu có 700 triệu và con vì lý do này khác không đi du học được, thì mình cũng muốn cho con mình vào RMIT học thiết kế thời trang